Dịch thuật công chứng là gì? Điều kiện và thủ tục mở – thành lập văn phòng dịch thuật công chứng như thế nào? Quy định về dịch thuật và công chứng bản dịch hiện nay? Tất cả sẽ được Kế Toán Trực Tuyến chia sẻ trong bài viết này.
Dịch thuật công chứng đã trở thành một nhu cầu thiết yếu cho nhiều cá nhân và tổ chức. Hầu hết các giấy tờ trong hồ sơ như xin việc, xin visa, hồ sơ du học, di trú hay thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đều yêu cầu bản dịch công chứng.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin cần thiết về việc thành lập văn phòng dịch thuật công chứng và các quy định liên quan.
Dịch thuật công chứng là gì?
Dịch thuật công chứng là dịch vụ chuyển đổi ngôn ngữ các giấy tờ có con dấu pháp lý từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc ngược lại. Sau đó, các giấy tờ được dịch sẽ được công chứng tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc văn phòng công chứng để xác nhận rằng bản dịch là chính xác so với bản chính.
Điều này không chỉ giúp người đọc hiểu nội dung mà còn đảm bảo tính pháp lý, chứng minh giấy tờ là hợp pháp, không phải giả mạo.
Dịch thuật công chứng bao gồm hai bước:
- Dịch thuật: Chuyển đổi văn bản sang ngôn ngữ khác theo yêu cầu của khách hàng;
- Công chứng bản dịch: Nhận dấu xác nhận từ tổ chức hành nghề công chứng hoặc Phòng Tư pháp.
Bài viết liên quan:
>Các loại văn bản và hợp đồng bắt buộc công chứng;
>Sự khác nhau giữa Phòng Công chứng và văn phòng công chứng.
Dịch thuật công chứng ở đâu?
Hiện nay, bạn có thể thực hiện dịch thuật và công chứng tại các tổ chức sau:
- Tại tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm văn phòng công chứng tư nhân hoặc Phòng Công chứng);
- Tại công ty dịch thuật;
- Tại Phòng Tư pháp.
➧ Đối với văn phòng công chứng tư nhân và Phòng Công chứng
- Văn phòng công chứng và Phòng Công chứng, chuyên công chứng các hợp đồng, giao dịch, văn bản theo quy định của Luật Công chứng và không có chức năng dịch thuật;
- Để cung cấp dịch vụ dịch thuật, Phòng Công chứng hoặc văn phòng công chứng tư nhân phải ký hợp đồng với cộng tác viên phiên dịch hoặc công ty dịch thuật.
➧ Đối với công ty dịch thuật
- Công ty dịch thuật là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại, không có chức năng công chứng;
- Tuy nhiên, các công ty dịch thuật thường ký hợp đồng với các văn phòng công chứng để thực hiện công chứng bản dịch.
➧ Đối với Phòng Tư pháp
- Phòng Tư pháp là đơn vị thuộc quản lý của UBND quận/huyện, chuyên công chứng bản sao giấy tờ, hợp đồng…;
- Dịch thuật tại Phòng Công chứng hoặc Phòng Tư pháp phải thực hiện qua các phiên dịch viên đã ký hợp đồng.
Như vậy, việc công chứng bản dịch đều phải thực hiện qua tổ chức hành nghề công chứng hoặc Phòng Tư pháp. Theo quy định của Luật Công chứng, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức khác với lỗi do công chứng viên hoặc nhân viên gây ra.
Do đó, các bản dịch công chứng được thực hiện tại công ty dịch thuật, tổ chức hành nghề công chứng hay Phòng Tư pháp đều có giá trị pháp lý như nhau và đảm bảo tính chính xác.
2 cách thành lập văn phòng dịch thuật công chứng
Để thành lập văn phòng cung cấp dịch vụ dịch thuật – công chứng, tùy theo chủ thể thành lập và dịch vụ bạn muốn cung cấp, bạn có thể chọn 1 trong 2 cách sau:
➧ Cách 1. Thành lập văn phòng công chứng
Đối tượng được phép thành lập: Công chứng viên hành nghề công chứng.
Quy trình thực hiện 3 bước:
- Bước 1: Làm thủ tục mở văn phòng công chứng tại UBND cấp tỉnh;
- Bước 2: Xin giấy phép hoạt động văn phòng công chứng tại Sở Tư pháp tỉnh;
- Bước 3: Ký hợp đồng với phiên dịch viên hoặc hợp tác với công ty dịch thuật.
➧ Cách 2. Thành lập công ty, văn phòng dịch thuật
Đối tượng được phép thành lập: Cá nhân, tổ chức theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Quy trình thực hiện:
- Thành lập công ty dịch vụ dịch thuật;
- Liên kết với văn phòng công chứng, Phòng Công chứng hoặc Phòng Tư pháp để thực hiện công chứng bản dịch.
Hướng dẫn thủ tục mở văn phòng dịch thuật công chứng theo 2 cách
1. Thủ tục thành lập văn phòng công chứng (cách 1)
Quy trình mở văn phòng công chứng được thực hiện như sau:
➧ Bước 1: Làm thủ tục thành lập văn phòng công chứng tại UBND cấp tỉnh
Hồ sơ thành lập văn phòng công chứng cần chuẩn bị gồm:
- Đơn đề nghị thành lập văn phòng công chứng (theo mẫu TP-CC-08);
- Đề án thành lập văn phòng công chứng;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập văn phòng công chứng.
> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu TP-CC-08: Đơn đề nghị thành lập văn phòng công chứng.
Nơi nộp hồ sơ: UBND cấp tỉnh nơi mở văn phòng công chứng.
Thời hạn xử lý hồ sơ: 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
➧ Bước 2: Xin giấy phép hoạt động văn phòng công chứng tại Sở Tư pháp tỉnh
Hồ sơ xin giấy phép hoạt động văn phòng công chứng cần chuẩn bị gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động văn phòng công chứng (theo mẫu TP-CC-09);
- Hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên;
- Giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của địa chỉ trụ sở văn phòng công chứng như: hợp đồng thuê nhà, bản sao sổ đỏ…;
> TẢI MIỄN PHÍ:Mẫu TP-CC-09: Đơn đăng ký hoạt động văn phòng công chứng.
Nơi nộp hồ sơ: Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi mở văn phòng công chứng.
Thời hạn nộp hồ sơ: Trong vòng 90 ngày sau khi được cấp giấy phép thành lập.
Thời hạn xử lý hồ sơ: 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ.
➧ Bước 3: Ký hợp đồng với phiên dịch viên hoặc hợp tác với công ty dịch thuật
Sau khi hoàn thành hai thủ tục, văn phòng công chứng muốn cung cấp dịch vụ dịch thuật cho khách hàng thì phải ký hợp đồng với phiên dịch viên hoặc hợp tác với công ty dịch thuật.
> Xem chi tiết:Điều kiện, thủ tục mở văn phòng công chứng.
2. Thủ tục thành lập công ty, văn phòng dịch thuật (cách 2)
➧ Bước 1: Thành lập công ty có đăng ký mã ngành nghề dịch thuật (*)
Hồ sơ thành lập công ty dịch thuật gồm:
- Giấy đề nghị thành lập công ty dịch thuật;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên góp vốn (nếu thành lập công ty TNHH 2 thành viên);
- Danh sách cổ đông sáng lập (nếu thành lập công ty cổ phần);
- Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập;
- Giấy ủy quyền (nếu người đại diện pháp luật ủy quyền cho cá nhân khác);
- Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền.
> TẢI MIỄN PHÍ: Hồ sơ thành lập công ty dịch thuật.
Ghi chú:
(*) Mã ngành 7490: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu. Chi tiết: Hoạt động phiên dịch.
Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ thành lập công ty dịch thuật: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty.
Hình thức nộp hồ sơ:
- Nộp online qua Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia;
- Hoặc nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa – Phòng Đăng ký kinh doanh.
Thời gian giải quyết thủ tục: 3 – 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ.
Tin cùng chuyên mục:
So Sánh Hệ Thống Thuế Việt Nam Và Các Nước ASEAN: Tác Động Đến Quyết Định Đầu Tư FDI
Tư Vấn Thuế Cho Doanh Nghiệp FDI – Chiến Lược Tối Ưu Chi Phí Và Tuân Thủ Quy Định
Kiểm Toán Độc Lập Cho Doanh Nghiệp FDI – Vai Trò Và Lợi Ích Trong Việc Bảo Đảm Minh Bạch Tài Chính
Những rủi ro doanh nghiệp FDI cần biết khi đầu tư vào Việt Nam và cách giảm thiểu